Không có sản phẩm nào trong giỏ.
Sáng ngày 20/04/2024, Công ty Cổ phần Lumi Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thành Lumi Smart Factory – nhà máy sản xuất thiết bị IoT/ Smarthome tại khu công nghiệp Thăng Long 3 – Bình Xuyên – Vĩnh Phúc. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm theo đuổi sứ mệnh mới của Lumi: trở thành thương hiệu “make thing”- niềm tự hào của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thiết bị IoT trên trường quốc tế.
Sự kiện có sự tham gia của ông Bùi Thế Duy – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Lê Tất Hiếu – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Đại diện các doanh nghiệp công nghệ lớn cả nước, đại học các trường đại học dẫn đầu về KHCN, hệ thống 150 nhà phân phối, các đối tác, khách hàng và hơn 30 đơn vị báo chí trong nước.
Nhà máy Lumi được khởi công từ đầu năm 2022 với quy mô 6000m2 và tổng số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Không chỉ sản xuất các thiết bị smarthome, thiết bị lighting cho Lumi Việt Nam, Lumi Smart Factory sản xuất thiết bị IoT công nghệ cao, cung cấp dịch vụ ODM, OEM, EMS cho đối tác trong nước và quốc tế. Chính thức khánh thành Lumi Smart Factory, Lumi trở thành thương hiệu smarthome Make in Vietnam đầu tiên sở hữu nhà máy IoT/ Smarthome quy mô 6000m2, khẳng định vị thế dẫn đầu và tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp.
Lễ khánh thành Lumi Smart Factory bắt đầu từ 8h00-12h00 ngày 20/04 với các nội dung chính:
1. Thông tin chi tiết nhà máy sản xuất thiết bị IoT/ Smarthome Lumi Smart Factory
Nhà máy sản xuất thiết bị IoT/ Smarthome có thiết kế kiến trúc bo cong tỉ mỉ, độc đáo được lấy cảm hứng từ đường tròn trong nhận diện thương hiệu Lumi. Đặc biệt, đường bo cong phía trước mặt nhà máy còn được thiết kế với góc bo chuẩn xác 27,4° – chính là ngày thành lập Lumi Việt Nam (27/04/2012).
Là nhà máy sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, Lumi Smart Factory sở hữu: Nhà máy công nghệ cao, quản lý sản xuất chuyên nghiệp, tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, dịch vụ tư vấn thiết kế trọn gói, chuỗi cung ứng đa dạng và đội ngũ nhân sự chuyên môn cao. Các dây chuyền sản xuất SMT, DIP được đầu tư hệ thống máy in thiếc hàn, máy gắp linh kiện, máy kiểm tra 3D tự động của Yamaha – thương hiệu top đầu Nhật Bản; lò hàn chất lượng cao Heller của Mỹ; và các vật tư, thiết bị phụ trợ khác của Mỹ, Nhật, Hàn.
Nhờ vậy, Lumi Smart Factory có công suất thiết kế hàng năm lên đến 1.000.000 thiết bị smart home; 500.000 thiết bị smart lighting; và hàng triệu thiết bị IoT khác. Mọi sản phẩm tại nhà máy, từ mạch PCBA đến sản phẩm IoT/smarthome hoàn thiện đều đảm bảo độ chính xác, tin cậy, hoạt động ổn định và thẩm mỹ tốt nhất.
Tại lễ khánh thành Lumi Smart Factory, khách mời đã được tham quan toàn bộ khu vực sản xuất nhà máy và showroom trưng bày các sản phẩm gia công mạch, sản phẩm hoàn thiện mới nhất.
Với vị trí thuận lợi: nằm giữa trung tâm khu công nghiệp Thăng Long III – một trong những khu vực được coi là “bàn đạp kinh tế” vững chắc nhất tại tỉnh Vĩnh Phúc cùng năng lực nội tại về nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi, Lumi Smart Factory hướng đến mở rộng thị trường IoT đầy tiềm năng (dự báo đạt 75,44 tỷ thiết bị IoT được sử dụng trên toàn thế giới vào năm 2025, theo Statista).
2. Cam kết và “bước đi” mạnh mẽ hiện thực hóa khát vọng trở thành thương hiệu tự hào của Việt Nam trong lĩnh vực IoT
Theo dự báo của Research and Markets, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng bùng nổ IoT chung của thế giới với thị trường dự báo tăng lên hơn 13,1 tỉ USD vào năm 2028. Theo nghiên cứu khác của Deloitte, đến năm 2027 sẽ có khoảng 14,8 triệu thiết bị kết nối IoT.
Trong bối cảnh đó, Lumi – thương hiệu smarthome duy trì vị thế dẫn đầu trong 12 năm phát triển, không thể không nắm bắt cơ hội. “Luôn đặt mình trong tâm thế chủ động, sẵn sàng bứt phá trong dòng chảy IoT toàn cầu, những gì Lumi làm được trong hơn thập kỷ qua là minh chứng rõ ràng nhất” – Ông Nguyễn Tuấn Anh – chủ tịch HĐQT Lumi Việt Nam nhấn mạnh.
Chia sẻ về bước chuyển mình trong kỷ nguyên kiến tạo giá trị mới, ông Nguyễn Đức Tài – CEO Lumi Việt Nam cho biết: “Bước chân vào thị trường smarthome Việt khi vẫn còn sơ khai, những gì Lumi đã làm được trong 12 năm qua – một hệ sinh thái nhà thông minh toàn diện, dẫn đầu với hơn 80 sản phẩm chính là nhờ tự chủ trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Hiện tại chính là “thời cơ”, chúng tôi quyết tâm chủ động đón đầu làn sóng sản xuất thiết bị IoT tại Việt Nam. Lumi Smart Factory không chỉ giúp Lumi Making Product mà còn có thể giúp cho nhiều công ty đối tác cũng Making product, cùng đi nhanh và xa hơn. Khi các doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm đứng lên làm sản xuất, tôi tin chắc rằng trong 5-10 năm tới, chúng ta sẽ hãnh diện khi sử dụng sản phẩm Việt Nam như người Hàn Quốc, Nhật Bản sử dụng sản phẩm nước họ.”
“Khánh thành Lumi Smart Factory ngày hôm nay, chúng tôi tin rằng Lumi đã có bước đi mạnh mẽ trên hành trình hiện thực hóa giấc mơ lớn: Ghi dấu Việt Nam trên bản đồ IoT thế giới, trở thành thương hiệu tự hào của Việt Nam.” – CEO Lumi Việt Nam chia sẻ thêm.
Đặc biệt, ngay tại lễ khánh thành Lumi Smart Factory, ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ về niềm tin với sự phát triển của Lumi trong tương lai trên thị trường IoT toàn cầu: “Lumi đã lựa chọn con đường vô cùng thách thức, chông gai, nhưng tôi tin rằng Lumi sẽ tạo được thành công như những ông lớn công nghệ trên thế giới, trở thành niềm tự hào của Việt Nam. Tôi có niềm tin như vậy không chỉ bởi thành công hiện tại, mà còn bởi chính những lần vấp ngã của Lumi, đó chính là nội lực doanh nghiệp để vượt qua sóng gió trong tương lai.
Câu chuyện của Lumi tạo động lực cho thế hệ trẻ yêu thích công nghệ, kinh doanh luôn tin vào chính mình và tạo ra sản phẩm của riêng mình, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.”
Là cơ quan đi đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay mặt Bộ khoa học & Công nghệ, ông Bùi Thế Duy cũng gửi gắm đến Lumi cũng như các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam: “Bộ Khoa học & Công Nghệ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Lumi và các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp khác trong quá trình kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ trong sở hữu trí tuệ và tìm kiếm công nghệ, chuyên gia công nghệ trên thế giới thông qua mạng lưới đại diện của Bộ ở nước ngoài.”